+Aa-
    Zalo

    Bánh Khảo - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Cao Bằng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trên mâm cỗ bàn thờ ngày tết của người Tày ở Cao Bằng phải có Bánh khảo, nếu nhà nào không có thì coi như không có tết.

    Đối với đồng bào dân tộc Tày Nùng, cứ mỗi độ xuân về, ngoài bánh chưng thì bánh khảo cũng trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên bởi chỉ cần nhấp miếng bánh khảo, hương vị thơm ngon của bột nếp, vị bùi của vừng và lạc rang, vị ngậy của mỡ lợn, vị ngọt thanh của đường khiến ai đã một lần thưởng thức không thể nào quên.

    Sự chuẩn bị công phu 

    Để sản xuất ra được những chiếc bánh khảo thơm ngon, cần phải trải qua nhiều công đoạn công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu sản xuất. Gạo sau khi mua về được rang cẩn thận, người làm cũng cần có kỹ năng trong công đoạn này vì nếu rang cháy thì mùi thơm của bánh sẽ mất, còn nếu rang chưa đủ độ chín thì bánh sẽ không thơm.

    banh khao dspl1
    Công đoạn rang gạo nếu trước khi làm bánh khảo của người Cao Bằng.

    Gạo nếp sau khi rang xong sẽ được xay mịn, trước kia chưa có máy móc, thiết bị hiện đại nên việc xay mịn gạo là một thử thách khó nhằn. Nhưng hiện nay, cơ sở vật chất hiện đại nên gạo dễ dàng được xay mịn mà không phải tốn nhiều công sức.

    Một công đoạn không kém phần quan trọng đó là ủ bột hay còn được người Tày gọi là “hạ thổ”. Người làm sẽ chọn một góc khuất trong nhà, quét dọn sạch sẽ và vẩy chút nước để có độ ẩm, lót thêm vài tờ giấy rồi phủ bột lên, cắm thêm vài khúc mía ngọt được loại bỏ vỏ để hút bột thêm thơm và tơi xốp hơn. Khoảng 4 đến 5 ngày là có thể đem đóng thành khuôn bánh. 

    banh khao dspl
    Phần nhân của Bánh khảo luôn hấp dẫn người thưởng thức bởi độ ngậy của thịt mỡ thái mỏng xen lẫn vừng, lạc. 

    Nhờ đôi bàn tay khéo léo được truyền lại từ đời này sang đời khác và sự chăm chỉ, cần cù trong từng khuôn bánh đã làm ra những chiếc bánh khảo vuông vắn, bắt mắt, thơm nức mũi khiến ai cũng muốn thưởng thức ngay. 

    Bánh khảo được bày bán nhiều tại chợ phiên 

    Dải khắp chợ phiên tại các huyện nhỏ Hạ Lang, Quảng Hoà, Trùng Khánh có thể thấy Bánh khảo được gói buộc lại vuông vắn xếp thành hàng bày bán trên những gian hàng đồ ăn Tết. Người dân tấp nập qua lại ghé mua.

    Khiến không khí chợ phiên trở nên ý nghĩa. Bánh được bày bán cùng những gói bánh, gói kẹo bắt mắt, nhưng Bánh khảo vẫn luôn ẩn chứa một thứ hương vị thân thương, mộc mạc mà không có bất kỳ món ăn nào có được. 

    Được biết, ngày xưa khi chưa có bánh kẹo nhiều như hiện tại, Bánh khảo trở thành “lương khô”- là thức ăn cứu đói của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Chính vì vậy, mà cho đến tận ngày hôm nay những con người nơi đây vẫn gìn giữ, lưu truyền loại bánh “có một không hai” này. 

    Món quà Tết đầy ý nghĩa

    Trên mâm cỗ bàn thờ ngày tết của người Tày ở Cao Bằng phải có Bánh khảo, nếu nhà nào không có thì coi như không có tết. Mỗi khi có những vị khách từ xa đến, món quà đầu tiên biếu làm của con người nơi đây cũng chính là bánh khảo.

    Chị Phạm Khánh Phương, quê Hưng Yên có quen một người bạn quê Cao Bằng chia sẻ: “Cứ mỗi dịp lễ Tết, thì bạn tôi lại gửi bánh khảo biếu làm quà, không nhiều thì ít, nhưng công nhận rằng hương vị bánh ở đó rất đặc biệt.

    Nhớ lại thời sinh viên, khi cuộc sống khó khăn không có gì vào bụng thì chúng tôi lại mang bánh ra ăn. Biết bao kỉ niệm thời xưa ùa về khiến tôi không thể nào quên được. Đối với tôi, bánh khảo là món quà quý giá mà khó có thể tìm kiếm ở một nơi nào khác".

    Không phải là món ăn quá sang trọng, đắt đỏ. Bánh khảo Cao Bằng để lại ấn tượng khó phai trong tâm hồn mỗi người đến đây.

    Ngọc Diệp - Thảo Ly

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/banh-khao-mon-an-khong-the-thieu-trong-dip-tet-cua-nguoi-cao-bang-a563272.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khẩu Sli - Quà tết của người Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng

    Khẩu Sli - Quà tết của người Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng

    Tại một vùng quê trên xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có một món ăn đặc sản mà nghe đến cái tên, ai ai cũng thấy tò mò, đó là Khẩu sli Nà Giàng. "Khẩu Sli" có nghĩa là "bánh gạo nếp nổ” hay “Bánh bỏng gạo nếp có chứa lạc", “Nà Giàng" là tên một địa danh tại tỉnh Cao Bằng.