+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời người phụ nữ vượt "muôn trùng trở ngại", giúp ẩm thực Trung Hoa nổi danh trên đất Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mở nhà hàng nổi tiếng và thu hút thực khách ở San Francisco, bà Cecilia Chiang thành công quảng bá ẩm thực quê nhà trên đất Mỹ.

    Mở nhà hàng nổi tiếng và thu hút thực khách ở San Francisco, bà Cecilia Chiang thành công quảng bá ẩm thực quê nhà trên đất Mỹ. 

    Bà Cecilia Chiang (tên khai sinh Sun Yun) sinh năm 1920 ở Giang Tô (Trung Quốc), là con gái thứ 7 trong một gia đình có 12 người con, gồm 9 gái, 3 trai.

    Cha bà Sun Long Guang là một kỹ sư đường sắt được đào tạo ở Pháp. Ông nghỉ hưu vào năm 50 tuổi, theo đuổi đam mê đọc sách và làm vườn. Trong khi đó, mẹ bà, Sun Shueh Yun Hui xuất thân trong một gia đình giàu có, sở hữu nhà máy dệt và sản xuất bột mì. Ngay từ thời thiếu niên, khi cha mẹ bà qua đời, bà trở thành người quản lý tài chính cho các doanh nghiệp của gia đình.

    Bà Cecilia Chiang ở nhà riêng vào năm 2019. Ảnh: NYTimes

    Năm bà Chiang 4 tuổi, gia đình bà chuyển tới Bắc Kinh (Trung Quốc), sống trong một tòa biệt thự mang phong cách thời nhà Minh được cải tạo lại. Từ lúc còn nhỏ, bà đã được thưởng thức những bữa ăn ngon miệng với sự chuẩn bị công phu bởi hai đầu bếp gia đình.

    Trẻ em lúc đó không được phép vào nhà bếp hay nấu ăn, vì thế, bà Chiang luôn chú ý học hỏi từ những lần đi chợ mua thực phẩm cùng mẹ, và lắng nghe cẩn thận khi các đầu bếp hướng dẫn chi tiết.

    Trong Chiến tranh thế giới thứ II, cuộc sống gia đình bà trở nên bấp bênh hơn. Đầu năm 1943, bà Chang cùng một người chị đã trốn chạy tới Trùng Khánh (Trung Quốc) và sống cùng một người họ hàng.

    Trên hành trình này, bà Chiang chủ yếu đi bộ và sống sót nhờ vài đồng tiền vàng được may vào một số bộ quần áo. Đây là tài sản duy nhất bà còn lại sau khi bị đánh cắp vali.

    Tại Trùng Khánh, bà Chiang làm giáo viên dạy tiếng Trung bán thời gian tại Đại sứ quán Mỹ và Liên Xô. Sau đó, bà gặp gỡ và kết hôn với Tưởng Lương, giáo sư kinh tế tại Đại học Fu Jen (Đài Bắc).

    Về sau, khi chuyển tới Tokyo (Nhật Bản) sinh sống, bà Chiang cùng một nhóm bạn mở một nhà hàng Trung Quốc, đặt tên Forbidden City (Tử Cấm Thành). Nhà hàng nhanh chóng gây được tiếng vang, thu hút nhiều người Trung Quốc tại Tokyo cũng như các thực khách người Nhật.

    Sau này, khi tới San Francisco vào năm 1960 để giúp chị gái, bà Chiang bất ngờ gặp lại hai người quen trước kia sống ở Tokyo nhưng thời điểm đó đã di cư sang Mỹ. Biết họ muốn mở nhà hàng, bà Chiang cũng tham gia, bỏ 10.000 USD để đặt cọc cho một cửa hàng nằm trên đường Polk Street mà họ tìm được.

    Tuy nhiên, đến phút cuối, hai người kia bất ngờ rút lui. Bà Chiang cũng bàng hoàng cả người khi biết không thể lấy lại tiền đặt cọc. Thay vì chấp nhận mất tiền oan, bà Chiang quyết định một mình mở nhà hàng, phát triển ẩm thực Trung Quốc tại Mỹ trở nên đa dạng, tinh tế và hấp dẫn hơn với những món ăn gắn liền với tuổi thơ của bà.

    Tôi nghĩ về việc gây dựng một nhà hàng có phong cách phục vụ, kèm theo bầu không khí đậm chất phương Tây nhưng sẽ bán những món ăn tôi quen thuộc nhất, là những món ngon của miền Bắc Trung Quốc”, bà Chiang chia sẻ trong 2 cuốn hồi ký “The Mandarin Way” (viết năm 1974, viết cùng Allan Carr) và “The Seventh Daughter: My Culinary Journey from Beijing to San Francisco” (viết năm 2007 cùng Lisa Weiss).

    Bà Chiang đang trao đổi cùng một số thực khách tại cửa hàng. Ảnh: NYTimes

    Nhà hàng đầu tiên của bà được mở vào năm 1962, nằm trên đường Polk Street ở khu vực Russian Hill (San Francisco, bang California). Thời điểm đó, cả nhà hàng có tất cả 65 chỗ ngồi. Tại đây, bà Chiang giới thiệu tới khách hàng các món ăn độc đáo, mới lạ ở thời điểm bấy giờ như thịt bò khô cay kiểu Trùng Khánh, cà tím chua cay Tứ Xuyên...

    Được biết, những ngày đầu mới mở nhà hàng, bà Chiang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Các nhà cung cấp ở địa phương đều nói tiếng Quảng Đông và từ chối giao hàng cho nhà hàng của bà. Thêm vào đó, thực đơn nhà hàng có tới 200 món, về cơ bản rất khó để kiểm soát. Không có nhiều người giúp đỡ, bà Chiang thậm chí còn phải tự mình lau sàn bếp.

    Nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Chiang cuối cùng cũng dần được đền đáp khi ngày càng có nhiều thực khách Trung Quốc và một số người Mỹ tới nhà hàng của bà. Đặc biệt, Herb Caen, nhà bình luận nổi tiếng của The Chronicle sau khi ăn tối ở nhà hàng đã đánh giá rằng nơi đây mang tới cho thực khách “một số món ăn Trung Quốc ngon nhất”. Qua một đêm, các bàn trong nhà hàng đều chật kín, từng hàng dài người đứng đợi phía bên ngoài.

    Năm 1968, nhà hàng được chuyển tới một địa điểm rộng hơn nằm ở Ghirardelli Square, nằm gần khu Fisherman’s Wharf (San Francisco, bang California). Nhà hàng mới có khả năng chứa 300 thực khách. Bà Chiang lúc này cũng mở thêm cả những lớp dạy nấu ăn.

    Năm 1975, bà mở cửa hàng thứ hai ở Beverly Hills thuộc bang California, sau đó bán lại cho con trai của mình tên Philip vào năm 1989. Cửa hàng đầu tiên được bà Chiang bán đi vào năm 1991, và đóng cửa vào năm 2006.

    Ở tuổi ngoài 90, bà vẫn miệt mài với công việc cố vấn cho nhà hàng. Tới ngày 28/10/2020, bà trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở San Francisco, hưởng thọ 100 tuổi. Thông tin bà qua đời được chính cháu gái bà xác nhận.

    Tờ San Francisco Chronicle trong bản tiểu sử năm 2007 của bà Chiang nhận định, nhà hàng của người phụ nữ này đã “nâng tầm ẩm thực Trung Quốc, giới thiệu tới thực khách các món đặc trưng của Tứ Xuyên như gà Kung Pao, thịt heo nấu chín 2 lần. Bên cạnh đó, thực khách cũng được biết đến những món ăn tinh tế khác như vịt xông khói, chim nhồi nấm khô, hạt dẻ, giăm bông nướng, hay gà nướng đát sét”.

    Nhà hàng của bà Chiang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người nổi tiếng trong giới ẩm thực như James Beard, Marion Cunningham, và Alice Waters. Tạp chí ẩm thực Saveur vào năm 2000 nhận xét nhà hàng này đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giới thiệu các món ăn của Trung Quốc tới Mỹ”.

    Paul Freedman, một học giả chuyên về ẩm thực thậm chí còn đưa nhà hàng của bà Chiang vào cuộc khảo sát có tên “10 nhà hàng đã thay đổi nước Mỹ” của mình. Khảo sát được thực hiện vào năm 2016.

    Đinh Kim(Theo New York Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-nguoi-phu-nu-vuot-muon-trung-tro-ngai-giup-am-thuc-trung-hoa-noi-danh-tren-dat-my-a345560.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan