+Aa-
    Zalo

    Người dân quanh thế giới ăn gì trong dịp năm mới?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Truyền thống ẩm thực của các quốc gia trên thế giới tuy khác nhau nhưng đều có một mục đích chung là thưởng thức đồ ăn và thức uống để chuẩn bị chào đón một năm mới thịnh vượng.

    Những món ăn trên thế giới trong dịp năm mới vô cùng đa dạng, từ các loại bánh mì và bánh ngọt đặc biệt, sợi mì dài (tượng trưng cho tuổi thọ), đậu Hà Lan (tượng trưng cho đồng tiền xu), cá trích (tượng trưng cho sự sung túc) và heo (tượng trưng cho sự may mắn). 

    Hãng tin CNN liệt kê một số các món ăn đặc trưng và nổi tiếng trong dịp năm mới tại một số quốc gia: 

    Hoppin' John, Nam Mỹ

    Được biết đến là một món ăn truyền thống trong dịp năm mới ở miền Nam nước Mỹ, Hoppin' John gồm đậu Hà Lan hoặc đậu mắt đen (tượng trưng cho đồng xu) có hương vị thịt lợn và cơm, thường được nấu với cải thìa hoặc các loại rau xanh khác (tượng trưng cho màu sắc của các tờ tiền USD) và bánh ngô (màu vàng). Món ăn này được cho là mang lại may mắn trong năm mới.

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi1

    Công thức nấu món Hoppin' John xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1847 trong cuốn sách "The Carolina Housewoman" của Sarah Rutledge, đã được các đầu bếp gia đình và chuyên nghiệp diễn giải lại qua nhiều thế kỷ.

    12 trái nho, Tây Ban Nha 

    Theo truyền thống, người dân Tây Ban Nha xem chương trình phát sóng trực tiếp từ Puerta del Sol ở Madrid, nơi mọi người vui chơi tập trung trước tháp đồng hồ của quảng trường để đón năm mới.

    Bên cạnh đó, người Tây Ban Nha cũng có một truyền thống đặc biệt khác. Theo NPR, Nochevieja hay "đêm cũ", là từ chỉ ngày cuối cùng của năm trong tiếng Tây Ban Nha. Khi thời khắc này gần qua, hàng triệu người dân đất nước này tập trung trước tivi hoặc quảng trường, cầm theo bát nho xanh với hy vọng sẽ gặp may vào năm mới.

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi2

    Lúc này, máy quay của kênh truyền hình quốc gia sẽ tập trung vào tháp đồng hồ có từ thế kỷ 18 Real Casa de Correos ở thủ đô Madrid. Sau khi chuông vang lên tiếng thứ tư liên tiếp sẽ là một khoảng lặng nhỏ. Kế sau là chuỗi 12 tiếng chuông đại diện cho 12 tháng, mỗi tiếng cách nhau khoảng 2 giây. Khi đó, người Tây Ban Nha phải ăn hết 12 quả nho trước khi tiếng chuông cuối cùng kết thúc. Làm được như vậy, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới. 

    Phong tục này bắt đầu vào đầu thế kỷ XX và được cho là ý tưởng của những người sản xuất nho ở miền Nam Tây Ban Nha với mong muốn một vụ mùa bội thu. Kể từ đó, truyền thống này cũng đã lan truyền sang nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

    Tamales, Mexico

    Tamales là món ăn xuất hiện vào hầu hết các dịp đặc biệt ở Mexico. Tamales bao gồm các nguyên liệu như bột ngô nhồi thịt, pho mai và các phụ gia thơm ngon khác, được gói trong lá chuối hoặc vỏ ngô.

    Vào những ngày đầu năm mới, món ăn này thường được phục vụ với menudo, món súp lòng bò và hominy nổi tiếng tốt cho những người say rượu.

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi3

    Những người sống ở các thành phố có đông dân cư Mexico sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tìm các nhà hàng bán tamales để đi ăn trong ngày và đêm giao thừa. Ở thành phố Mexico, món tamales hấp được bán ở những cửa hàng rong tại các góc phố cả ngày lẫn đêm.

    Oliebollen, Hà Lan

    Bánh Oliebollen là một loại bánh truyền thống của xứ sở hoa tuylip - đất nước Hà Lan. Cũng giống như bánh chưng của người Việt, người Hà Lan chỉ làm Oliebollen trong dịp năm mới. Oliebollen là một loại bánh rán được chiên ngập trong chảo dầu với nguyên liệu là bột mì bên trong có nhân táo, nhân dứa hoặc nhân nho. Người Hà Lan tin rằng nếu thưởng thức món bánh này vào ngày đầu năm mới thì sẽ nhận được những điều tốt lành nhất.

    Ở Hà Lan, Oliebollen thường được bán trên xe đẩy tại đường phố vào đêm giao thừa và các hội chợ kỷ niệm đặc biệt. 

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi4

    Mì Soba, Nhật Bản

    Trong các hộ gia đình Nhật Bản, mọi người thường ăn mì soba kiều mạch, hay toshikoshi soba, vào đêm giao thừa để chào tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới sắp tới. Truyền thống này có từ thế kỷ XVII, trong đó sợi mì dài tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng.

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi5

    Một món ăn truyền thống khác ở Nhật Bản được gọi là mochitsuki. Theo đó, bạn bè và các thành viên gia đình thường dành cả ngày trước Tết để giã bánh gạo mochi. Gạo tẻ, nếp vo sạch, ngâm nước, hấp chín rồi giã thành khối mịn. Sau đó, từng miếng bột được tách ra để làm thành những chiếc bánh nhỏ ăn tráng miệng. 

    Cá trích muối, Ba Lan và Scandinavia

    Vì cá trích có nhiều ở Ba Lan và một số vùng của Scandinavia và chúng có màu bạc nên nhiều người dân ở các quốc gia này ăn cá trích ngâm chua vào lúc nửa đêm để mong chờ một năm thịnh vượng và bội thu. Món cá trích này có thể được sốt kem hoặc ăn kèm với hành tây. 

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi7

    Người Ba Lan cũng có một phương pháp chế biến cá trích muối đặc biệt cho đêm giao thừa, được gọi là Sledzie Marynowane. Theo đó, cả con cá trích muối sẽ được ngâm trong nước suốt 24 giờ rồi xếp trong lọ cùng với hành tây, hạt tiêu, đường và giấm trắng. Trong khi đó, người Scandinavia thường ăn cá trích với thịt viên và pate.

    Kransekage, Đan Mạch và Na Uy

    Kransekage, bánh vòng hoa, là một tháp gồm những chiếc bánh vòng xếp chồng lên nhau, thường được làm trong những nhịp đặc biệt và đêm giao thừa ở Đan Mạch và Na Uy. Bánh được làm từ hạnh nhân, thường có một chai rượu vang ở giữa, và được trang trí đẹp mắt. 

    nguoi dan quanh the gioi an gi trong dip nam moi8

    Bích Thảo(Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-dan-quanh-the-gioi-an-gi-trong-dip-nam-moi-a561896.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan