+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/5/2020: Tử nạn vì cãi nhau giữa quốc lộ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Rợn tóc gáy xác chết “vẫy tay” trong quan tài

    Khoảnh khắc người chết vẫy tay trong quan tài màu trắng - Ảnh: Cắt từ clip

    Một đoạn clip cho thấy những người bạn và các thành viên trong gia đình đang cùng nhau cầu nguyện quanh huyệt chôn người thân quá cố.

    Tuy nhiên, khi camera quay cận cảnh chiếc quan tài màu trắng, bỗng xuất hiện một bàn tay và những ngón tay đang chuyển động ở dưới lớp kính trên nắp quan tài.

    Khoảnh khắc rùng mình này diễn ra ở Manado, Bắc Sulawesi (Indonesia) vào ngày 5/5 vừa qua.

    Theo tờ Daily Mail, trong quá trình làm lễ, linh mục đã nói câu: “Chúa nói rằng: Ta là sự sống lại và sự sống. Bất cứ ai tin vào ta, người đó sẽ sống mặc dù đã chết”.

    Chỉ vài giây sau khi cầu nguyện, bàn tay trong quan tài đã vẫy vẫy qua ô kính.

    Đoạn clip gây tranh cãi trên mạng xã hội về việc liệu có phải người chết đã sống lại. Tuy nhiên, thực tế sự chuyển động của bàn tay trong quan tài chỉ là do quá trình phân hủy xác tạo ra. Một nghiên cứu năm ngoái đã cho thấy các xác chết sẽ “dịch chuyển” đáng kể trong quá trình phân hủy.

    Các nhà nghiên cứu tại Cơ sở Nghiên cứu Thực nghiệm Taphonomic Úc (AFTER) đã lắp camera theo dõi quá trình di chuyển của các xác chết trong khi phân hủy. Các camera đã quay các thi thể trong thời gian khoảng 30 phút và nhận thấy các cánh tay “dịch chuyển đáng kể”.

    Chia sẻ trên tờ ABC News, Alyson Wilson, một thành viên của dự án trên, cho biết: “Những gì chúng tôi tìm thấy là những cánh tay dịch chuyển đáng kể, những cánh tay bắt đầu áp vào cơ thể và rồi lại tách ra.

    Nhiều người có thể ngạc nhiên về hiện tượng này nhưng theo các nhà nghiên cứu, sự chuyển động của xác chết là do sự tích tụ khí trong cơ thể trong quá trình phân hủy.

    Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà điều tra tội phạm xác định được thời điểm tử vong của nạn nhân và trong nhiều trường hợp sẽ là cách nạn nhân “kể” câu chuyện cuối cùng của họ.

    Tử nạn vì cãi nhau giữa quốc lộ

    Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ Pacific.

    Trang Sydney Morning Herald (SMH) đưa tin vụ việc xảy ra vào tối thứ Hai, trên quốc lộ Pacific ở phía Nam thành phố Ballina, bang New South Wales, Australia.

    Vào khoảng 20h ngày 11/5, Stephen Edwards, một người cha trẻ đã có hai đứa con, đang lái chiếc xe SUV cùng bạn gái thì một chiếc xe bán tải chở gỗ bám đuôi rất sát xe của anh.

    Edward và người lái xe bán tải, khoảng 35 tuổi chưa xác định danh tính, ngay lập tức ra khỏi xe, cãi nhau và xô xát lớn vào lúc 20h10. Hai người đàn ông chưa biết nhau trước khi sự việc xảy ra.

    Bạn gái Edward, người lúc đó đang ngồi trong xe, kể lại cô đã van nài bạn trai và người lái xe tải dừng cuộc cãi vã trước khi chiếc công-ten-nơ đâm phải hai người.

    Theo tờ SMH, cô đã chứng kiến chiếc công-ten-nơ bẻ lái để tránh đâm vào chiếc SUV và xe bán tải đang đỗ trên đường, nhưng lại đâm phải bạn trai cô đang cãi nhau với người lái xe bán tải.

    “Tài xế công-ten-nơ đã nhìn thấy những chiếc xe đỗ giữa đường nhưng không may lại không nhìn thấy hai người đàn ông trên đường, dẫn đến đã đâm phải và gây cho họ những vết thương chí mạng”, Chánh thanh tra cảnh sát địa phương Richmond William McKenna cho biết.

    Edwards và người lái xe bán tải đã chết ngay trên đại lộ vì những vết thương quá nghiêm trọng. Tài xế công-ten-nơ không bị thương, nhưng đã được đưa đến bệnh viện Ballina để xét nghiệm ma túy và rượu bắt buộc.

    Cảnh sát mô tả vụ tai nạn trên “thật khủng khiếp” và cho biết đại lộ Pacific đã bị đóng cửa trong 9 giờ sau đó do hậu quả của vụ tai nạn.

    Chánh thanh tra McKenna cho biết các tài xế nên tạt vào lề đường thay vì ngay lập tức ra khỏi xe và tranh cãi với nhau giữa đường.

    “Chỉ cần tấp xe vào lề đường và liên lạc với cảnh sát. Không có gì đáng để bạn mất mạng cả”, ông McKenna trả lời phỏng vấn.

    Sau cái chết thương tâm của Edward, bố của anh, ông Noel viết trên facebook rằng ông nhớ đến con trai mình như “một người cha, người con, người anh và người bạn tận tụy”.

    Clint Bonney, bạn thân lâu năm của Edwards cho biết anh là một người độ lượng, với “trái tim của một chú sư tử” và rất được mọi người yêu quý.

    Đeo tai phone quá nhiều, cậu bé bị nấm mọc trong lỗ tai

    Nấm mốc trong lỗ tai cậu bé 10 tuổi.

    Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đưa tin về trường hợp kỳ lạ của một cậu bé 10 tuổi, vì đeo tai nghe trong thời gian dài mà nấm mốc đã phát triển trong lỗ tai.

    Có thể nhiều người nghĩ rằng cơ thể con người sẽ có những cơ chế tự nhiên ngăn chặn nấm mốc phát triển trong những nơi khó có thể như tai chẳng hạn. Thế nhưng, nấm mốc chỉ cần có điều kiện thích hợp là có thể phát triển bất cứ nơi đâu.

    Tại bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Shunyi ở Bắc Kinh, Trung Quốc các bác sĩ mới tiếp nhận một trường hợp hy hữu. Bệnh nhân là một cậu bé 10 tuổi được mẹ đưa đến bệnh viện sau khi con trai kêu bị đau tai, nhiều lúc cảm giác như bị điếc, không nghe thấy gì.

    Khi người mẹ dẫn cậu con trai tới bệnh viện, bác sĩ kiểm tra thì phát hiện cậu bé bị nấm ống tai, hay nói một cách đơn giản là nấm mốc phát triển trong ống tai.

    Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nấm ống tai, nhưng trong trường hợp cụ thể là cậu bé này, bác sĩ xác định rằng việc nhiễm trùng do do nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Cậu bé thường có thói quen ngoáy tai, khiến cho các mô nhạy cảm trong tai bị tổn thương.

    Cùng với việc cậu bé sử dụng tai nghe trong thời gian dài, khiến cho việc thông gió tự nhiên của ống tai bị ngăn chặn, điều này làm độ ẩm tăng, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

    Bác sĩ Ngô Ngọc Hoa của khoa Phẫu thuật tại bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Shunyi cho biết: “Độ ẩm và nhiệt độ tăng cao do tác dụng phụ của việc đeo tai nghe quá lâu đã tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của nấm mốc. Ngoài ra, bệnh nấm còn do thói quen ngoái tai khiến niêm mạc bên trong bị tổn thương”.

    Hiện nay, cậu bé này đang được điều trị và sẽ hồi phục hoàn toàn trong vài tuần tới. Tuy nhiên, bác sĩ Ngô cảnh báo nếu nhiễm nấm không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra hàng loạt các vấn đề, nguy hiểm nhất là có thể mất đi thính lực.

    Bé 2 tuổi bỏng nặng do nghịch nước sôi nấu mì tôm

    Bé trai bỏng nặng khắp vùng ngực do đùa nghịch nước sôi - Ảnh: BSCC

    Tối 14/5, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết các bác sĩ vừa điều trị cho bệnh nhi 2 tuổi, ở Long An, bị bỏng nặng.

    Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó, bé bị bỏng nước sôi nấu mì tôm do đùa nghịch cùng anh trai. Gia đình đã đưa bé đi nhiều nơi thăm khám nhưng không được nhập viện.

    Khi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tình trạng bỏng của bé đã ở độ 2-3, toàn thân đau rát. Vết bỏng lan rộng ở vùng ngực, bụng bên bên trái, lan khắp đùi trái, bóng nước to rộng, bong tróc da, mủ vàng trên bề mặt. Bỏng vùng bẹn rộp bóng nước, vùng đầu cổ trái bong tróc da, diện tích bỏng hơn 20%.

    Theo bác sĩ Vũ, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, ê-kíp thủ thuật lập tức xử trí vết bỏng, tiến hành cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể. Bé được băng lại toàn bộ diện bỏng, rửa sạch mô chết và nhiễm trùng, bù mất nước và giảm đau tích cực.

    Sau một tuần điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhi được xuất viện, diện tích bỏng đã lành hơn 80%. Các bác sĩ cũng hướng dẫn người nhà tích cực tập vật lý trị liệu cho bé do các khớp tay, khuỷu tay, nách của bé có dấu hiệu co rút gân, nguy cơ yếu liệt.

    Bác sĩ Vũ cho biết bỏng nước sôi là một hình thức bỏng nhiệt, gây đau rát và để lại những tổn thương đau đớn, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, vết bỏng có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

    Phụ huynh phải tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ, không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường bé nằm, không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ.

    Với những bé đã biết đi, không cho bé xuống khu vực bếp vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khó lường đối với trẻ.

    Khi trẻ không may bị bỏng, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay vòi nước để rửa, không dùng nước đá hoặc nước lạnh. Điều này sẽ làm cho da đỡ nóng, bớt bị mất nước và giảm đau, giảm diện tích da bị tổn thương.

    Sau đó, cha mẹ đưa các bé đến khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1652020-tu-nan-vi-cai-nhau-giua-quoc-lo-a323497.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan