+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 27/11: Moscow bắt đầu chiếm ưu thế trên mặt trận tác chiến điện tử?

    (ĐS&PL) - Theo tờ Economist, khi nhắc đến cuộc cạnh tranh về hệ thống tác chiến điện tử với Nga, điều mà Ukraine còn thiếu là sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây.

    Tờ Economist đưa tin, hầu hết sự chú ý đến những gì Ukraine cần trong cuộc xung đột với Nga đều tập trung vào trang thiết bị, như xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa, khẩu đội phòng không, pháo binh và lượng lớn đạn dược. Điểm yếu của Kiev về tác chiến điện tử (EW) lại ít được thảo luận và tìm phương hướng giải quyết.

    Theo ông Seth Jones - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, trong nhiều năm, Nga đã tập trung rất nhiều vào việc sử dụng tổ hợp công nghiệp - quốc phòng của mình để sản xuất và phát triển một loạt hệ thống tác chiến điện tử ấn tượng, nhằm chống lại các hệ thống được kết nối chặt chẽ của NATO.

    Trong khi đó, theo Tướng Valery Zaluzhny - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Kiev giống như ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, với các hệ thống tác chiến điện tử cũ, chủ yếu từ thời Liên Xô.

    Sự khác biệt nói trên ban đầu không tác động quá nhiều. Tuy nhiên, khi các đường dây liên lạc tương đối ổn định xuất hiện, Moscow đã có thể bố trí các khí tài tác chiến điện tử đang gờm của mình ở nơi chúng có thể tạo ra tác động lớn nhất.

    cang thang nga ukraine ngay 2711 moscow bat dau chiem uu the tren mat tran tac chien dien tu1
    Đơn vị tác chiến điện tử Nga triển khai ở tỉnh Zaporizhzhia vào tháng 11/2022. Ảnh: RIA Novosti

    Hồi tháng 3/2023, Ukraine phát hiện đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur của họ đột nhiên bắt đầu chệch mục tiêu do hoạt động gây nhiễu của Nga. Bom dẫn đường JDAM-ER mà Mỹ cung cấp cho Lực lượng không quân Ukraine và tên lửa tầm xa GMLRS phóng từ HIMARS cũng gặp tình trạng tương tự. Ở một số khu vực, phần lớn GMLRS đang đi chệch hướng.

    Đáng lo ngại hơn, khả năng của Nga ngày càng tăng trong việc chống lại vô số máy bay không người lái (UAV) giá rẻ mà Ukraine đang sử dụng cho mọi mục đích, từ trinh sát chiến trường, liên lạc cho tới tấn công các mục tiêu như xe tăng, trạm chỉ huy.

    Được biết, Ukraine đã huấn luyện một đội gồm khoảng 10.000 phi công điều khiển máy bay không người lái. Các phi công này hiện liên tục tham gia vào “trò chơi mèo vờn chuột” với những người vận hành hệ thông tác chiến ngày càng lão luyện của Nga, theo thông tin từ Economist.

    Những chiếc UAV giá rẻ, chi phí không quá 1.000 USD/chiếc, đang được Ukraine sản xuất với số lượng lớn. Hệ thống tác chiến điện tử của Nga khiến hệ thống dẫn đường của UAV Ukraine bị xáo trộn hoặc gây tắc nghẽn các kênh liên kết điều khiển vô tuyến với người điều khiển, có khi tổn thất lên tới hơn 2.000 vụ/tuần. Những chiếc UAV sẽ bay lơ lửng không mục đích cho đến khi hết pin và rơi xuống đất.

    Việc tăng cường khả năng chống gây nhiễu hoặc trang bị cho những chiếc UAV này trí thông minh nhân tạo để di chuyển mà không cần kết nối trực tiếp với người điều khiển đều không phải là những lựa chọn khả thi, ít nhất là đối với UAV mini.

    Chưa kể, Nga cũng có thể có lợi thế về số lượng. Bầu trời trên các mặt trận hiện dày đặc UAV của Nga. Xung quanh Bakhmut, binh sĩ Ukraine ước tính Nga đang triển khai số lượng UAV tấn công gấp đôi khả năng của họ.

    Economist nhận định, sự thành công ngày càng tăng của Moscow trong cuộc chiến UAV một phần là do mật độ các hệ thống mới mà nước này có thể triển khai, nhờ vào những năm đầu tư trước đó.

    Hồi tháng 5/2023,  Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đăng tải một báo cáo, tiết lộ cứ cách 10km dọc theo tiền tuyến, Nga lại triển khai một hệ thống tác chiến điện tử lớn.

    Họ cho rằng, trong số nhiều hệ thống tác chiến điện tử của Nga, Shipovnic-Aero gắn trên xe tải tỏ ra đặc biệt nguy hiểm đối với UAV của Ukraine. Với phạm vi hoạt động 10km, hệ thống này có thể kiểm soát UAV, tìm ra tọa độ của nơi điều khiển thiết bị, với độ chính xác 1m, để truyền tới một khẩu đội pháo binh.

    cang thang nga ukraine ngay 2711 moscow bat dau chiem uu the tren mat tran tac chien dien tu
    Khi các đường dây liên lạc tương đối ổn định xuất hiện, Nga đã có thể bố trí các khí tài tác chiến điện tử đang gờm của mình ở nơi chúng có thể tạo ra tác động lớn nhất. Ảnh minh họa: Economist

    Xuất phát với trình độ kỹ năng vận hành và kỹ thuật thấp hơn nhiều, Ukraine đang phải chật vật phát triển năng lực tác chiến điện tử nội địa để ngang bằng với năng lực của Nga. Kiev đã đạt được một số bước tiến, ví dụ như hệ thống Pokrova trên toàn quốc đang được triển khai.

    Hệ thống nói trên có thể ngăn chặn các hệ thống định vị dự trên vệ tinh, chẳng hạn như GLONASS của Nga, đồng thời giả mạo chúng bằng cách thay thế tín hiệu thật bằng tín hiệu sai, khiến tên lửa không thể xác định được vị trí chính xác.

    Pokrova tỏ ra có hiệu quả cao trước loại UAV cảm từ Shahed-136 do Iran thiết kế. Tuy nhiên, hệ thống này kém hiệu quả hơn khi đối mặt với các tên lửa hành trình phụ thuộc nhiều vào các hệ thống phù hợp với địa hình, vốn so sánh mặt đất bên dưới với một kho dữ liệu hình ảnh được lưu trữ, thay vì được dẫn đường suốt chặng đường.

    XEM THÊM: Chiến sự Israel - Hamas ngày 27/11: Israel thông báo thu giữ được 1,3 triệu USD tiền mặt của Hamas

    Nhắc đến cuộc cạnh tranh về hệ thống tác chiến điện tử với Nga, điều mà Ukraine còn thiếu là sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Theo chuyên gia Jones, đối với Mỹ, điều đó khó có thể thay đổi. Tác chiến điện tử nằm trong danh mục chuyển giao công nghệ bị hạn chế bởi cơ chế kiểm soát xuất khẩu được Bộ Ngoại giao quản lý chặt chẽ.

    Ông Nico Lange - một chuyên gia về Ukraine ở Hội nghị An ninh Munich cũng có quan điểm tương tự, đồng thời tỏ ý nghi ngờ năng lực tác chiến điện tử của NATO đang thua kém Nga.

    Theo ông Nico Lange, phương Tây có thể trực tiếp giúp đỡ Ukraine bằng cách sử dụng UAV giám sát tầm xa để thu thập dữ liệu có hệ thống hơn về các kỹ thuật gây nhiễu và giả mạo của Nga, và hợp tác với Kiev để phát triển các giải pháp đối phó. Nếu không, Ukraine sẽ phải tự mình đương đầu với thách thức cấp bách trên mặt trận tác chiến điện tự.

    Đinh Kim(Theo Economist)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-nga-ukraine-ngay-27-11-moscow-bat-dau-chiem-uu-the-tren-mat-tran-tac-chien-dien-tu-a601176.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan