+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 7/4/2024: Người phụ nữ đột quỵ 2 lần trong cùng một ngày

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người phụ nữ bị đột quỵ 2 lần trong cùng một ngày

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa thông tin về một trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ hai lần liên tiếp trong cùng một ngày.

    Theo đó, vào 7h30 sáng 4/4, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 51 tuổi (trú tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng khó thở, lơ mơ, nói khó, yếu nửa người bên trái.

    Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cho thấy hình ảnh tắc động mạch não giữa bên phải, đồng thời cũng phát hiện tim loạn nhịp, có rung nhĩ và thấy có suy tim nặng, trong khi người bệnh chưa từng phát hiện mình bị bệnh tim trước đây.

    Các bác sĩ tiến hành hội chẩn cùng chuyên gia can thiệp mạch não, phân tích tình trạng người bệnh để đưa ra hướng điều trị thích hợp. Bất ngờ là chỉ trong thời gian ngắn, người bệnh có tiến triển tốt, tự hồi phục và hết liệt gần như hoàn toàn.

    Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

    Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

    Người bệnh được chỉ định nhập viện để tiếp tục theo dõi. Đến 14h30 cùng ngày, người bệnh có biểu hiện đột quỵ lần hai với tình trạng liệt nửa người bên trái giống như buổi sáng.

    Ngay lập tức, các bác sĩ quyết định can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu não, cứu sống người bệnh. Kết quả chụp đánh giá lại cho thấy mạch máu não bị tắc đã tái thông tốt, giải phóng hoàn toàn huyết khối động mạch não giữa bên phải. Sau can thiệp một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết liệt, vẫn đang tiếp tục được theo dõi.

    Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Trường - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, do đã tiên lượng chính xác nguyên nhân và theo dõi sát sao tình trạng người bệnh nên các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp tối ưu, xử trí kịp thời đem lại kết quả phục hồi ngoạn mục cho người bệnh.

    Đồng thời, bác sĩ Trường cho biết thêm, người mắc các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, bệnh rung nhĩ… có nguy cơ đột quỵ cao, do đó cần chủ động tầm soát đột quỵ định kỳ để tránh trường hợp bị đột quỵ bất ngờ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

    Người đàn ông bị ngộ độc lá lộc mại nguy kịch

    Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, các bác sĩ khoa Cấp cứu vừa điều trị, cứu sống một trường hợp bị ngộ độc lá lộc mại nguy kịch.

    Cụ thể, ông D.T.T. (50 tuổi, ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nước tiểu màu đỏ, tan máu cấp cùng nhiều triệu chứng nguy hiểm.

    Qua khai thác thông tin từ gia đình, ông T. bị táo bón nên đã chủ động vào rừng tìm hái lá lộc mại về sắc nước uống. Sau khi uống khoảng một cốc, ông thấy người mệt mỏi, đi tiểu ra nước màu đỏ.

    Đến hôm sau, thấy người mệt mỏi nhiều hơn, gia đình đã đưa ông T. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu và tiếp tục được chuyển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

    Hình ảnh lá cây lộc mại. Ảnh minh họa: Gia Đình Việt Nam

    Hình ảnh lá cây lộc mại. Ảnh minh họa: Gia Đình Việt Nam

    Kết quả xét nghiệm máu của ông T. cho thấy, huyết sắc tố hạ thấp ở mức 48g/l, Bilirubin máu toàn phần tăng cao 64 umol/l, NH3 (chuyển hóa Amoniac) và men gan tăng cao, ông T. được chẩn đoán ngộ độc lá lộc mại gây tan máu cấp và sốc mất máu.

    Nhận định đây là ca bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đội ngũ bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã nhanh chóng đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kết hợp truyền dịch, truyền máu, hồi sức tích cực theo phác đồ và làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán.

    Sau 5 ngày được điều trị, chăm sóc và hồi sức tích cực, sức khỏe của ông T. đã ổn định, các chỉ số về hô hấp, men gan, tan máu đã cải thiện, đủ điều kiện được xuất viện.

    Ghi nhận ca bệnh cúm A/H9 tại tỉnh Tiền Giang

    VOV dẫn thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM cho biết vừa phát hiện ca bệnh cúm A/H9 đầu tiên trong cả nước tại tỉnh Tiền Giang. Ngành y tế, thú y và chính quyền địa phương đang thực hiện khẩn cấp các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh này.

    Cụ thể, đó là bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (37 tuổi), làm nghề thợ xây, ngụ tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, UBND xã Tân Lý Đông, Phòng Dịch tễ thuộc Chi cục Thú y vùng VI, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành tiến hành xác minh thông tin ca bệnh, điều tra dịch tễ và tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

    Ngày 9/3, bệnh nhân sốt, ho có đàm, bụng chướng, chán ăn đến khám tại Bệnh viện Quân Y 120 với chẩn đoán Gan xơ hoá và xơ gan. Bệnh viện tư vấn bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và phát hiện dương tính với  Cúm AH9.

    Qua xác minh, bệnh nhân này cách đây 4 tuần chỉ sống tại nhà cùng vợ không ra khỏi nơi cư trú; thỉnh thoảng có uống rượu với 2 người khác tại nhà. Gần nhà có cơ sở giết mổ, mua bán gia cầm sống.

    Ca bệnh cúm A/H9 đầu tiên trong cả nước vừa được phát hiện tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: VOV

    Ca bệnh cúm A/H9 đầu tiên trong cả nước vừa được phát hiện tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: VOV

    Theo hướng dẫn của Viện Pasteur TP.HCM, ngành y tế địa phương  tiến hành xử lý dịch theo hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9); phối hợp với cơ quan thú y các tuyến trong việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm trên gia cầm tại khu vực gần nhà bệnh nhân.

    Bên cạnh đó, thực hiện việc khử trùng bề mặt bằng Cloramin B 2% tại hộ gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận; lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

    Hướng dẫn những người tiếp xúc gần theo dõi nếu có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở,… phải báo ngay cho Trạm Y tế.

    Giao Trạm Y tế xã Tân Lý Đông theo dõi, giám sát sức khỏe người tiếp xúc gần hàng ngày trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Trong khoảng thời gian theo dõi nếu có các triệu chứng nghi ngờ thì Trạm Y tế báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang để thực hiện lấy mẫu.

    Đ.K(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-7-4-2024-nguoi-phu-nu-ot-quy-2-lan-trong-cung-mot-ngay-a411272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan